Các nghiên cứu tương tự Thí nghiệm nhà tù Stanford

Nghiên cứu Nhà tù của BBC

Năm 2002, các nhà tâm lý học Alex HaslamSteve Reicher đã thực hiện Cuộc Nghiên cứu Nhà tù của BBC. Kết quả được công bố năm 2006.[43] Đây là một bán biến thể của Thí nghiệm nhà tù Stanford, được thực hiện với sự hỗ trợ của BBC, bên phát sóng các sự kiện trong nghiên cứu dưới dạng một loạt phim tài liệu có tên The Experiment. Kết quả và kết luận của họ khác với thí nghiệm của Zimbardo và từ đó một số tác phẩm về chế độ chuyên chế, căng thẳng và lãnh đạo đã được xuất bản. Kết quả đã được công bố trên các tạp chí học thuật hàng đầu như Tạp chí Tâm lý xã hội của Anh, Tạp chí Tâm lý học Ứng dụng, Tâm lý Xã hội hàng quý, và Tạp chí Tính cách và Tâm lý Xã hội. Cuộc Nghiên cứu Nhà tù của BBC hiện được đưa vào giảng dạy với vai trò cốt lõi trong giáo trình OCR Tâm lý học A-level của vuơng quốc Anh.

Nghiên cứu của Haslam và Reicher tuy không sao chép trực tiếp từ thí nghiệm của Zimbardo, nhưng đã làm dấy lên nghi ngờ về tính tổng quát trong các kết luận của ông. Cụ thể hơn, nghiên cứu này bày tỏ sự nghi ngờ về quan điểm cho rằng con người có thể vô thức tiếp nhận các vai trò và ý niệm rằng động lực cho cái ác là những điều bình thường. Nghiên cứu của họ cũng chỉ ra tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo trong sự xuất hiện của chế độ chuyên chế do Zimbardo giới thiệu với các quản giáo trong thí nghiệm ở Stanford. [44][45]

Các thí nghiệm ở Hoa Kỳ

Thí nghiệm nhà tù Stanford là phản ứng một phần với thí nghiệm Milgram tại Yale (bắt đầu năm 1961, xuất bản năm 1963).[46]

Thí nghiệm Làn sóng thứ ba liên quan đến việc sử dụng các động lực độc tài như phương pháp kiểm soát quần chúng của Đức Quốc xã trong một lớp học của giáo viên trung học Ron JonesPalo Alto, California, năm 1967. Ông muốn chứng minh cho cả lớp thấy lý do vì sao dân chúng Đức trong Thế chiến thứ hai lại hành động theo hướng lịch sử đã ghi lại.[47] Dù những ghi chép của Jones đã bị nghi ngờ về tính xác thực, một số đối tượng tham gia nghiên cứu đã phát biểu công khai để xác nhận.[48]

Trong cả hai thí nghiệm, những người tham gia đều cảm thấy khó rời khỏi nghiên cứu vì vai trò mà họ được giao. Cả hai nghiên cứu đều suy xét về bản chất con người và ảnh hưởng của quyền lực. Tính cách của các đối tượng gần như không có ảnh hưởng gì đến hai thí nghiệm dù đã có một bài kiểm tra trước khi tiến hành. [49]

Trong các nghiên cứu của Milgram và Zimbardo, những người tham gia đã tuân theo các áp lực xã hội. Sự phục tùng này được củng cố bằng cách giao nhiều quyền lực hơn cho một số người. Trong cả hai thí nghiệm, các hành vi đã thay đổi để phù hợp với khuôn mẫu của nhóm.